Tin tức
Chính phủ cân nhắc nhiều về mức lương tối thiểu sắp tới
(25/09/2012)

Bên lề Hội nghị “Giới thiệu Bộ luật Lao động (BLLĐ) và Luật Công đoàn: Cơ hội và thách thức” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức hôm qua - 24/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân trao đổi về kế hoạch triển khai thi hành BLLĐ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân

- Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch triển khai BLLĐ gồm một số nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất là tập trung xây dựng các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ. Qua rà soát, chúng tôi thấy Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết 25 vấn đề. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nội dung trong Bộ luật, Quốc hội không giao Chính phủ nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu không hướng dẫn thì tổ chức thực hiện rất khó.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề vướng mắc vì theo Điều 242, Quốc hội chỉ cho phép Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề mà Quốc hội giao trong Bộ luật.

Nhóm thứ hai là xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục về BLLĐ. Chúng tôi luôn ý thức rằng, quá trình xây dựng Bộ luật đã rất khó khăn, nhưng quá trình tổ chức thực hiện trên thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền phổ biến cũng đã làm rồi nhưng kết quả đạt được chưa được như yêu cầu.

Vì vậy, phải có cách tuyên truyền phổ biến phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến khi BLLĐ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, trong đó rất cần sự góp sức của các cơ quan thông tin đại chúng.

 

Dự kiến phải ban hành tới hơn 10 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ. Với thời gian còn khoảng 6 tháng nữa, liệu Bộ LĐ-TB&XH có “cán đích” nhiệm vụ này không, thưa ông?

 

- Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng 11 Nghị định liên quan đến các nhóm vấn đề như việc làm, hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động, thực hiện Quy chế dân chủ và thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc và an toàn lao động, vệ sinh lao dộng, tuổi nghỉ hưu, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động.

 

Quả thật công việc rất nhiều mà thời gian còn lại rất ngắn nhưng Chính phủ yêu cầu phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi phấn đấu trình Chính phủ thông qua 2 Nghị định vào tháng 12 năm nay, các Nghị định còn lại sẽ trình Chính phủ vào tháng 1/2013 để đến tháng 3 năm sau hệ thống văn bản quy định chi tiết cơ bản hoàn thành. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo các đơn vị được giao xây dựng dự thảo văn bản rà soát lại các văn bản hiện hành, đánh giá xem những nội dung còn phù hợp thì tiếp tục tiếp thu, những vấn đề nào cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế.

 

Một trong những nhóm vấn đề rất được dư luận quan tâm là tiền lương. Xin ông cho biết cụ thể những điểm mới của Bộ luật lần này?

 

- Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết 2 vấn đề: Một là các nguyên tắc trong việc xây dựng thang bảng lương, định mức lao động và phụ cấp lương. Hai là quy định nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia.

 

Có thể nói, điểm mới nổi bật là từ năm 2014 trở đi, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ đỡ bị áp lực hơn với sự tư vấn của Hội đồng tiền lương 3 bên, còn hiện nay mỗi lần Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì Bộ chúng tôi rất vất vả vì ý kiến lúc nào cũng khác nhau. Công đoàn và một số cơ quan quản lý nhà nước muốn điều chỉnh tiền lương lên cao hơn, nhưng các chủ lao động lại muốn điều chỉnh mức thấp hơn và chúng ta luôn phải chọn phương án có thể chấp nhận được.

 

Nguyên tắc chung của lương tối thiểu trong Luật lần này được quy định rõ hơn là phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động nhưng để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó thì chắc chắn phải có lộ trình. Trung ương đặt mục tiêu năm 2015 là phải đạt được nguyên tắc trên, song đó mới là tính toán về mặt lý thuyết, còn trong điều hành thực tiễn thì Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi quyết định cụ thể.

 

Ví dụ, khi trình Trung ương mức lương tối thiểu năm 2013, chúng ta muốn điều chỉnh cao hơn nhưng tình hình doanh nghiệp như hiện nay chắc sẽ phải điều chỉnh mức độ thấp hơn, các năm sau nếu thuận lợi thì sẽ điều chỉnh cao hơn.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hoàng Thư (thực hiện) - phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet
Loading...